Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Bệnh nhân thay khớp háng nên làm gì?

Phẫu thuật thay khớp háng là biện pháp điều trị rất hiệu quả, khá an toàn cho những người có những chấn thương, bệnh lý về khớp háng. Để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất, người bệnh cần có chế độ vận động, tập luyện sau phẫu thuật. Bà con có thể tham khảo hướng dẫn của ThS.BS. Dương Đình Toàn, Viện Chấn thương & Chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức về vấn đề này.

Phòng trật khớp háng sau mổ

Trước mổ do tình trạng đau, chân ít vận động trong nhiều tháng nhiều năm gây nên tình trạng teo cơ vùng mông, đùi, làm cho cơ yếu hơn bình thường. Nguy cơ trật khớp háng sẽ cao nhất trong 6-8 tuần đầu sau mổ. Để tránh nguy cơ này, người bệnh sau mổ cần thảo luận cùng bác sĩ mổ, điều dưỡng, bác sĩ phục hồi chức năng để biết cách phòng tránh. Để đề phòng trật khớp háng sau mổ, nên đặt một gối nhỏ giữa hai chân khi nằm tránh khép háng. Gối này đặt thường xuyên ngay sau mổ và trong suốt thời gian nằm viện. Trong hai tuần đầu sau mổ, không được ngồi trên giường hoặc trên ghế và vươn người về phía trước. Thời gian về sau, khi cơ vùng quanh khớp háng khỏe lên, những động tác này có thể được cải thiện.

Bệnh nhân thay khớp háng nên làm gì?

Một ca phẫu thuật thay khớp háng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang. Ảnh: Kim Huệ

Phương pháp tập luyện

Mục đích tập phục hồi chức năng là làm khỏe cơ và tăng dần biên độ vận động của khớp háng. Quá trình tập luyện của người bệnh phải được bác sĩ phẫu thuật phối hợp bác sĩ phục hồi chức năng hoặc điều dưỡng viên kiểm tra và hướng dẫn.

Ngay sau mổ, người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau và bắt đầu chương trình tập luyện ngay. Khi tình trạng đau đã hết, cường độ tập sẽ được tăng dần. Để khớp mới được khỏe hơn, người bệnh cần lưu ý một số điểm sau: Khởi đầu khi tập từ từ và tăng dần. Đặt ra cho mình những mục tiêu cần đạt được, ví dụ như đi bộ được 100m, bước lên và xuống cầu thang, đi dạo quanh một con phố nhỏ...

Trong quá trình tập luyện, người bệnh có thể bước đi bình thường với khớp háng mới, tuy nhiên mới đầu sẽ đau và có cảm giác cứng khớp. Khi đó bác sĩ phẫu thuật sẽ khuyên bệnh nhân nên dùng nạng hỗ trợ khi đi lại và tỳ chân mức độ hợp lý, cùng với quy trình tập luyện được bác sĩ phục hồi chức năng đưa ra, người bệnh sẽ thích nghi dần và đau sẽ giảm dần, đến lúc sẽ hết đau.

Những việc nên làm

Trong những tháng đầu sau mổ, để tránh nguy cơ trật khớp, người bệnh nên: Ngồi ghế cao, ngồi hố xí cao, thường xuyên đặt gối giữa hai chân khi ngủ, kê một gối đủ dày giữa hai đầu gối khi nằm nghiêng, khi đi tất, giày nên nhờ người khác hỗ trợ, giảm cân nếu thừa cân.

Người bệnh không nên: Gấp đùi quá nhiều về phía bụng, xoay chân vào trong, ngồi bắt chéo chân mổ, ngồi xổm, ngồi hố xí thấp, cố cúi khom người khi đi tất, đi giầy, nằm ngiêng về phía chân lành khi ngủ.

BS.Minh Hằng


0 nhận xét:

Đăng nhận xét